Lịch sử Binh đoàn La Mã

Vương quốc La Mã (tới năm 500 TCN)

Đội hình phalanx

Trong thời kỳ đầu của Vương quốc La Mã và Cộng hòa La Mã, các quân đoàn chưa được sử dụng, thay vào đó là các đại đội một trăm người được ghép với nhau theo những hình thức ngẫu nhiên và chỉ phục vụ người trả tiền cho họ. Cho đến thế kỷ 2 TCN, các đại đội được tổ chức từ kỵ binh và bộ binh nhẹ rồi sau đó được thay thế bởi quân hỗn hợp. Trong giai đoạn này đội hình Phalanx Hy Lạp là chiến thuật chủ yếu trong đánh trận và lính La Mã trông rất giống bộ binh trang bị vũ khí hạng nặng (còn gọi là trọng binh - Hoplite) của Hy Lạp.[3]

Lịch sử La Mã trong những kỷ nguyên đó có khá nhiều điều được cấu thành bởi truyền thuyết, nhưng có thể tin rằng trong triều đại Servius Tullius, điều tra dân số đã hiện diện. Tất cả nam công dân La Mã khỏe mạnh, có tài sản được chia làm 5 tầng lớp để thực hiện nghĩa vụ quân sự và người lính phải tự vũ trang cho mình. Những tầng lớp này được tổ chức thành các đại đội 100 người, có một đại đội trưởng, một đại đội phó và một người cầm quân kỳ.

Tham gia quân đội vừa là nghĩa vụ vừa là dấu hiệu phân biệt đẳng cấp của công dân La Mã. Trong toàn bộ thời kỳ trước cải cách của Marius, những chủ đất giàu nhất cũng có thời gian ở trong quân ngũ nhiều nhất bởi vì họ chính là đối tượng chịu thiệt hại nhất nếu Nhà nước sụp đổ.

Tầng lớp thứ nhất có 82 đại đội, được trang bị theo kiểu bộ binh nặng Hy Lạp với thương, kiếm ngắn, mũ trụ, giáp ngực và khiên tròn (tiếng Latin gọi là clipeus, tương tự khiên tròn - aspis hay hoplon mà trọng binh Hy Lạp sử dụng). Tầng lớp thứ hai và thứ ba cũng là lính mang thương nhưng trang bị thô sơ hơn và sử dụng khiên rộng hơn, hình bầu dục hoặc tam giác. Tầng lớp thứ tư hầu như không đủ khả năng tự vũ trang, chỉ có khiên nhỏ, thương và lao. Ba tầng lớp sau, mỗi tầng lớp có khoảng 26 đại đội. Tầng lớp cuối cùng thì chỉ là lính ném đá. Sĩ quan chỉ huy và kỵ binh được lấy từ những người có ngựa thuộc tầng lớp quyền thế. Sau này kỵ binh được chia nhỏ thành nhóm 30 người do một thập trưởng chỉ huy. Tầng lớp thứ năm được tổ chức thành 32 đại đội bộ binh (trong đó có 2 đại đội công binh) và 18 đại đội kỵ binh.[4].

Chiến thuật không có sự khác biệt so với người Hy Lạp. Trận chiến diễn ra trên bình nguyên. Bộ binh cầm thương xếp hàng sát vào nhau tạo thành một bức tường khiên và tấn công đối phương với sự trợ giúp của lính ném đá và ném lao. Kỵ binh có nhiệm vụ truy kích và đôi khi xuống ngựa chiến đấu như bộ binh trong những tình huống nguy cấp. Chiến thuật này là sự vận động của một khối quá cồng kềnh và dễ thất bại trước các bộ tộc sinh sống ở vùng có địa hình phức tạp như Volsci hoặc Samnites.

Các pháp quan, người lãnh đạo dân sự của La Mã cổ đại, cũng là chỉ huy quân sự trong thời chiến (thường là từ mùa xuân đến mùa thu). Hành động tuyên chiến có một nghi lễ tôn giáo kết thúc bằng việc ném một ngọn lao dùng trong buổi lễ sang phần đất của đối phương để đánh dấu sự khởi đầu của tình trạng chiến tranh.

Cộng hòa La Mã (509-107 TCN)

Có lẽ vào bắt đầu từ thời kỳ Cộng hòa La Mã, sau khi lật đổ chế độ quốc vương, lính lê dương La Mã được chia ra làm hai đạo quân, mỗi đạo[5] đặt dưới quyền chỉ huy của một trong hai Quan chấp chính tối cao. Trong những năm đầu tiên của nền Cộng hòa, do khi đó chiến tranh chủ yếu là những cuộc đột kích và cướp phá, nên có lẽ các quân đoàn này không phải lúc nào cũng được tập trung đầy đủ binh lực.[6] Các quân đoàn bắt đầu được tổ chức một cách chính thức vào khoảng thế kỷ thứ 4 TCN, khi người La Mã tiến hành chiến tranh theo chiến dịch chuẩn bị trước một cách thường xuyên hơn và quân đội chấp chính lên tới hai đạo quân.

Trong giai đoạn Cộng hòa La Mã, thời gian tồn tại của một quân đoàn rất ngắn ngủi. Ngoại trừ các quân đoàn từ I đến IV là các quân đoàn thuộc hai đạo quân của các Chấp chính, các quân đoàn khác chỉ được tuyển mộ cho từng chiến dịch. Những đồng minh của La Mã ở nước Ý được yêu cầu cung cấp một quân đoàn trợ chiến cho mỗi quân đoàn La Mã.

Chức Quan giám quân (Tribuni militum) xuất hiện sau năm 331 TCN, đầu tiên họ đóng vai trò là các sĩ quan chỉ huy của các quân đoàn nhưng sau đó cũng đồng thời là người đại diện của Nhà nước La Mã. Mỗi quân đoàn có 6 Quan giám quân và cứ lần lượt 2 người trong số đó được giao quyền chỉ huy. Tổ chức nội bộ của các quân đoàn La Mã trở nên phức tạp hơn, từ đội hình Phalanx cổ điển trở thành hệ thống các tiểu đoàn (manipular) cho phép đổi mới về mặt chiến thuật. Lần đầu tiên, cấp bậc của binh lính được phân loại dựa trên kinh nghiệm chiến đấu và tuổi tác chứ không phải sự giàu có, đồng thời Nhà nước chu cấp vũ khí cũng như trang bị căn bản, trừ kỵ binh (eques) vẫn phải tự trang bị ngựa.

Hình ảnh tái hiện một kỵ binh nhẹ La Mã trong thời kỳ đầu của nền Cộng hòa. Lưu ý rằng thời kỳ đó chưa có yên ngựaMột chiếc Giày xăng-đan đóng đinh caligae được tái hiện lại

Ở thời kỳ giữa của nền Cộng hòa, một quân đoàn bao gồm:

  • Kỵ binh (eques): ban đầu đây là binh chủng có thanh thế nhất, là nơi những thanh niên La Mã giàu có đầu quân vào nhằm chứng tỏ khả năng và lòng can đảm, tạo tiền đề cho sự nghiệp chính trị sau này. Kỵ binh tự vũ trang với khiên tròn, mũ trụ, áo giáp, kiếm và một hoặc nhiều thương. Kỵ binh có quân số ít nhất trong một quân đoàn, chỉ có trên dưới 300 người chia làm 10 nhóm, mỗi nhóm 30 người trong khi có tới khoảng 3.000 bộ binh nặng và 1.200 bộ binh nhẹ. Chỉ huy một nhóm kỵ binh là thập trưởng. Quân đoàn của đồng minh La Mã có lực lượng kỵ binh đông hơn: khoảng 600 người. Ngoài kỵ binh nặng, kỵ binh nhẹ xuất thân từ dân nghèo hoặc tầng lớp giàu có nhưng chưa đủ tuổi để gia nhập bộ binh nặng hay kỵ binh nặng. Trong chiến đấu kỵ binh được sử dụng để làm rối loạn đội hình đối phương, đánh vu hồi bộ binh và đẩy lùi kỵ binh của địch. Sau này, một phần hoặc toàn bộ kỵ binh còn xuống ngựa để chiến đấu như bộ binh trong những trận đánh tĩnh, một chiến thuật tuy không quen thuộc lúc ấy nhưng tạo ra lợi thế quan trọng về tính ổn định cũng như linh hoạt trong giai đoạn chưa phát minh ra yên ngựa.[7]
  • Bộ binh nhẹ (Velites): là các công dân nghèo khó của La Mã, những người không đủ khả năng tự trang bị một cách đầy đủ. Bộ binh nhẹ chỉ có một giáp nhẹ (chủ yếu là áo được thuộc từ da thú hoặc tốt hơn là áo lưới sắt), lao, đoản kiếm, và có thể thêm một chiếc áo choàng lông sói hoặc sư tử. Vai trò chủ yếu của họ trong chiến đấu là lính ném lao phụ trợ - những người sẽ tấn công đối phương đợt đầu tiên để làm họ rối loạn hàng ngũ hoặc yểm trợ cho những đội quân đứng sau. Sau khi phóng lao, bộ binh nhẹ rút về tuyến sau qua khoảng trống giữa các tiểu đoàn và được bộ binh nặng che chắn trước sự tấn công của địch. Do trong giai đoạn đầu và giữa của thời kỳ Cộng hoà La Mã, kỵ binh còn thiếu hụt nên bộ binh nhẹ có thể được sử dụng trong nhiệm vụ trinh sát. Họ không có tổ chức hoặc đội hình chiến đấu nghiêm ngặt.
  • Bộ binh nặng: là lực lượng nòng cốt của quân đoàn La Mã. Bộ binh nặng xuất thân từ tầng lớp có khả năng tự vũ trang đầy đủ: mũ trụ, khiên hình chữ nhật uốn cong, áo giáp và lao (pilum) nặng với tầm phóng khoảng 30 m. Sau năm 387 TCN, vũ khí phổ biến của bộ binh nặng là kiếm ngắn hai lưỡi (gladius). Những đôi giày xăng-đan có đóng đinh to (caligae) vừa dễ di chuyển trên đất trơn trợt vừa là vũ khí hiệu quả để đạp kẻ thù đã ngã xuống. Trước Cải cách của Marius bộ binh nặng được chia thành ba tuyến quân theo kinh nghiệm chiến đấu:
    • Lính cầm thương (Hastati hay hastatus) là tuyến quân kém tin cậy gồm những người lính trẻ, ít kinh nghiệm nhất. Đây là hàng quân sẽ xung trận sau khi kỵ binh và bộ binh nhẹ đã mở màn để làm rối loạn đội hình đối phương. Cả 10 tiểu đoàn sẽ tiến đến gần đối phương và khi còn cách khoảng 30 m thì phóng lao, khi đối phương đang choáng váng vì thương tích, hastati xông vào, với khiên và đoản kiếm, họ dễ dàng xâm nhập vào đội hình địch, tấn công vào phần chân, tay hở ra của kẻ địch. Nếu trận đánh phát triển thuận lợi, hastati sẽ tiếp tục thọc sâu trong khi principes tiến theo sau. Trường hợp gặp sức kháng cự mạnh, hastati rút lui qua khoảng trống giữa các tiểu đoàn principes đang tiến lên để tạo thành đợt tấn công mới nhằm phá vỡ phòng tuyến đối phương.
    • Lính chủ lực (Principes hay princeps), là tuyến quân có binh lính đang ở độ tuổi lý tưởng (trên dưới 30 tuổi) đóng vai trò chủ lực của quân đoàn.
    • Lính tuyến ba (Triarii hay triarius) là những người lính kỳ cựu, quỳ một chân xếp thành khối và chỉ tham chiến trong trường hợp cần kíp nhất gần cuối trận chiến để dứt điểm hoặc bảo vệ cho một cuộc rút lui có trật tự. Triarii được trang bị mũ trụ, giáp nặng (áo lưới kết hợp với các miếng thép dát lên), khiên chữ nhật che nửa người, kiếm ngắn và chủ yếu dùng một loại thương dài trung bình, tuy ngắn hơn thương của bộ binh nặng Hy Lạp nhưng cũng đủ để thiết lập một Phalanx cùng với bức tường khiên chắc chắn làm nản lòng đối phương đang truy kích những hastati và principes.

Các tuyến quân trên đều được chia thành các tiểu đoàn (manipulus), mỗi tiểu đoàn gồm 2 đại đội (Centuriae), tiểu đoàn trưởng là sĩ quan nhiều tuổi hơn trong số 2 đại đội trưởng. Một đại đội thường có 60 đến 70 người (chứ không phải 100 như thời kỳ Vương quốc La Mã). Mỗi tuyến quân đều có 10 tiểu đoàn, khi dàn trận, các tiểu đoàn cách nhau một khoảng bằng chiều rộng đội hình của nó. Cộng thêm 10 tiểu đoàn bộ binh nhẹ, một quân đoàn La Mã có khoảng 4.200 bộ binh và 300 kỵ binh[8]. Sau khi Marius cải cách quân đội, quân đoàn La Mã có 80 đại đội, mỗi đại đội đều có biểu tượng riêng của mình và gồm 10 tiểu đội (contubernia). Một tiểu đội có tám binh sĩ dùng chung một căn lều, một cối xay, một con la và nồi nấu ăn (phụ thuộc vào độ dài của cuộc hành quân). Bởi vì các tiểu đoàn là đơn vị tác chiến cơ bản nên quân đoàn La Mã thời kỳ này đôi khi còn được gọi là "manipular legion".

Việc chia nhỏ những phalanx dày đặc và cứng nhắc thành những tiểu đoàn linh hoạt sử dụng đoản kiếm chứ dùng thương dài đã giúp cho các quân đoàn La Mã có được sức mạnh hủy diệt. Về chiến thuật, đội hình chia nhỏ này rất linh hoạt vì khi cánh quân này tấn công, cánh quân khác có thể kiềm chế hoặc vu hồi, bao vây.... Mặt khác, trên tổng thể, nó cũng rất vững chắc do các tiểu đoàn kết thành một khối theo chiều ngang trong khi 3 tuyến quân kết hợp theo chiều dọc tạo thành một phalanx khổng lồ. Nói về các quân đoàn La Mã, sử gia Hy Lạp cổ đại Polibius cho rằng thanh đoản kiếm hai lưỡi mà binh lính sử dụng "rất hữu hiệu để đâm chém vì có lưỡi rất cứng chắc" rồi kết luận: "quân đoàn La Mã có thể thích nghi ở mọi nơi mọi lúc và cho bất cứ mục tiêu nào".[9] Mặc dù có những tiến bộ vượt bậc về chiến thuật so với đội hình phalanx Hy Lạp, quân đoàn La Mã có hai nhược điểm chính. Thứ nhất, khi tác chiến trong địa hình hẹp (thung lũng, hẻm núi...) các tiểu đoàn mất đi tính linh hoạt vì phải co cụm lại và không có đủ không gian cần thiết để phát huy lợi thế của phóng lao kèm theo cận chiến bằng đoản kiếm. Trận Cannae là ví dụ điển hình, năm 216 TCN, trong cánh đồng Cannae chật hẹp, 80.000 quân La Mã và đồng minh đã bị Hannibal với lực lượng ít hơn nhiều dùng thế trận hình trăng khuyết khoá cứng hai bên sườn, hợp vây và tiêu diệt phần lớn. Thứ hai, khi chiến đấu trong địa hình quá rộng và trống trải, với sự thiếu thốn kỵ kinh, quân đoàn La Mã không có cách nào chống lại hữu hiệu những cuộc đột kích của các toán quân du mục hoặc lính bắn cung bởi lẽ các tiểu đoàn bộ binh không thể truy bắt hoặc tiêu diệt chúng.

Cuối Cộng hòa La Mã (107-30 TCN)

Tượng bán thân Gaius Marius

Sau cải cách của Marius vào năm 107 TCN, Legio được hiểu với nghĩa thứ hai hẹp nhưng quen thuộc hơn là "bộ binh nặng được tuyển lựa từ các công dân La Mã"Cuối thế kỷ thứ 2 TCN, Gaius Marius (người mà Julius Caesar gọi là dượng) đã tiến hành cải tổ những quân đoàn tạm bợ trước đây thành một lực lượng chuyên nghiệp được tuyển mộ cả từ những tầng lớp nghèo khó nhất. Nhờ đó La Mã có thể gia tăng quân số và tạo việc làm cho thị dân La Mã thất nghiệp.[10]. Quân đội trước đây nòng cốt là những tiểu chủ và mang tính chất nghiệp dư đã được chuyên nghiệp hoá cao độ. Thay vì tự trang bị vũ khí, quân đội được tiêu chuẩn hoá trên mọi phương diện và được trang bị bằng ngân sách quốc gia. Thời gian quân ngũ cũng được Marius quy định là 16 năm chứ không phải vô hạn định như trước. Tuy nhiên, việc chuyên nghiệp hoá quân đội đã khiến cho lòng trung thành của binh lính hướng tới tướng chỉ huy trực tiếp, người cung cấp vũ khí, lương thực cho họ hơn là nhà nước La Mã.

Lính lê dương vào giai đoạn cuối của nền Cộng hòa và khởi nguyên của thời kỳ Đế quốc thường được gọi là "lính lê dương Marius". Sau Trận Vercellae năm 101 TCN, Marius tuyên bố trao quyền công dân La Mã cho mọi binh lính người Ý. Ông bào chữa trước Viện Nguyên lão rằng trong sự hỗn loạn của trận chiến, ông không thể phân biệt được đâu là công dân La Mã đâu là lực lượng đồng minh. Việc này ngay lập tức xóa bỏ khái niệm quân đồng minh. Từ đây tất cả binh sĩ đều là lính lê dương La Mã và quyền công dân La Mã đầy đủ mở ra cho bất cứ ai gia nhập quân đội. Ba loại bộ binh nặng tương ứng với ba tuyến quân trước kia được thay thế bằng một loại duy nhất, về cơ bản dựa trên Principes, trang bị gồm: 2 thanh lao (pilum), một đoản kiếm hai lưỡi (gladius), áo giáp lưới (lorica hamata) hoặc áo giáp tấm (lorica segmentata), mũ sắt và khiên hình chữ nhật uốn cong che nửa người (scutum).

Vai trò của các quân đoàn đồng minh được thay thế bằng lực lượng trợ chiến (Auxilium). Mỗi quân đoàn La Mã đều có lực lượng trợ chiến với quân số tương đương. Lực lượng trợ chiến gồm các loại quân đặc dụng: công binh, lính mở đường, người phục vụ, cung thủ, thợ rèn và các đơn vị lính đánh thuê, quân địa phương không phải là công dân La Mã. Họ được tổ chức thành những đơn vị hoàn chỉnh như kỵ binh nhẹ, bộ binh nhẹ hay lính phóng lao. Lính trợ chiến còn có thể được sử dụng để lập thành các nhóm gồm 10 lính cưỡi ngựa (speculatores) hoặc đông hơn làm nhiệm vụ liên lạc hay thám báo - một hình thức sơ khởi của tình báo quân sự.

Tổ chức căn bản của các quân đoàn La Mã cũng được cải tiến và tiêu chuẩn hóa. Nòng cốt của quân đoàn là những đội quân (cohort). Trước đó, đội quân chỉ hình thành một cách nhất thời bằng cách ghép các tiểu đoàn lại do yêu cầu chiến thuật, thời gian tồn tại của nó còn ngắn ngủi hơn các quân đoàn trong buổi đầu của nền Cộng hoà. Sau cải cách của Marius, đội quân trở thành một đơn vị chiến thuật cơ bản của quân đoàn La Mã và thường có quân số 480 người. Mỗi quân đoàn có 10 đội quân và đội hình chiến thuật cũng được cải tiến: ba tuyến quân tương ứng với ba loại quân, mỗi tuyến có 10 tiểu đoàn được thay thế bởi một loại duy nhất là bộ binh nặng, tuyến đầu gồm 4 đội quân, hai tuyến sau mỗi tuyến gồm 3 đội quân. Đối với đại đội, ngoài đại đội trưởng còn có thêm một đại đội phó (optio), được đại đội trưởng chọn trong số binh lính biết chữ. Đại đội trưởng có thâm niên cao trong quân đoàn sẽ chỉ huy đội quân thứ nhất và được gọi là primus pilus. Đó là một quân nhân chuyên nghiệp, là cố vấn cho tổng chỉ huy quân đoàn và có thể được bổ nhiệm các chức vụ cao hơn.

Một quân đoàn điển hình có khoảng 4.000-5.000 lính cộng với một số tương đương thậm chí nhiều hơn dân binh, người phục dịch và nô lệ. Tính cả lực lượng hỗ trợ, một quân đoàn có thể có tới 6.000 lính chiến đấu, tuy nhiên trong giai đoạn sau của lịch sử La Mã con số đó giảm xuống còn hơn 1.000 để nâng cao tính cơ động. Quân số còn phụ thuộc vào mức độ thương vong trong một chiến dịch, ví dụ quân đoàn của Julius Caesar trong chiến dịch ở Gaule chỉ có khoảng 3.500 người.

Để tổ chức hậu cần, mỗi quân đoàn có 640 con la, khoảng 8 lính có một con. Để tránh cho đàn la không quá đông hoặc di chuyển quá chậm chạp, Marius yêu cầu binh lính phải tự mang đến mức tối đa quân trang, quân dụng: toàn bộ vũ khí và thức ăn cho 15 ngày (tổng cộng khoảng 22 – 27 kg). Marius phát cho binh lính đòn chạc để họ thuận tiện hơn trong việc mang vác. Những người lính vì thế có biệt danh là "con la của Marius". Điều này giúp cho bộ phận hậu cần có thể tách khỏi đoàn quân làm tăng tốc độ hành quân.

Chiến thuật cũng có bước tiến quan trọng. Mười đơn vị chiến thuật căn bản thay vì ba mươi như trước đây trở nên mạnh mẽ và linh hoạt hơn. Các đội quân có thể tập trung tấn công những điểm cá biệt trong phòng tuyến đối phương và những đợt tấn công cũng không nhất thiết chia thành ba đợt một cách cứng nhắc mà đã được đa dạng hoá bằng cách sử dụng đội quân đánh vu hồi, tập hậu.

Sau cải cách của Marius cho đến suốt thời kỳ cuối của Cộng hòa La Mã, các quân đoàn La Mã đóng một vai trò chính trị quan trọng. Đầu thế kỷ thứ 1 TCN, mối đe doạ từ các Quân đoàn dưới sự thống lĩnh của tướng chỉ huy rất được lòng dân bắt đầu bộc lộ. Các Thống đốc bị cấm rời khỏi tỉnh của mình cùng với quân đội. Khi Julius Caesar phá bỏ luật lệ này và đem Quân đoàn XIII (Legio XIII) rời tỉnh Gaule vượt sông Rubicon tiến vào nước Ý, ông đã gây nên một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Cuộc khủng hoảng này cùng với nội chiến sau đó đã chấm dứt nền Cộng hòa và khai sinh Đế quốc La Mã dưới sự trị vì của hoàng đế Augustus năm 27 TCN.

Đầu Đế quốc La Mã (30 TCN-284)

Hình ảnh tái hiện một đại đội trưởng (centuriō), c. 70.

Vì cả lý do kinh tế lẫn chính trị, Augustus giảm số quân đoàn từ gần 50 trong giai đoạn cuối cuộc chiến với Marcus Antonius xuống khoảng 28 rồi còn 25 sau khi ba quân đoàn La Mã do Publius Quinctillius Varus chỉ huy bị quân dân German do tù trưởng Arminius (Hermann) lãnh đạo diệt gọn trong trận rừng Teutoburg. Trước đó, trong cuộc nội chiến Cộng hòa, các tướng lĩnh thành lập các Quân đoàn của mình với số lượng tuỳ thích. Kết thúc nội chiến, Augustus để lại khoảng 50 quân đoàn, trong số đó có nhiều quân đoàn bị đánh số trùng nhau (ví dụ: có nhiều Quân đoàn X). Ngoài việc tổ chức lại quân đội và kiểm soát việc trả lương cho binh lính, Augustus còn hiệu chỉnh lại sự đánh số khác thường ấy. Trong giai đoạn này, xuất hiện cái gọi là Gemina Legio (Quân đoàn kép): hai quân đoàn hợp lại thành một rồi dần được chính thức hoá và đặt dưới sự chỉ huy của một thống đốc cùng sáu thủ lĩnh. Đồng thời, Augustus gia tăn số lính trợ chiến lên mức ngang bằng với số lính lê dương. Ông còn thành lập đội Cận vệ của Hoàng đế La Mã (Praetoriani) và Hải quân La Mã tuyển quân từ dân tự do hoặc nô lệ được giải phóng.

Chính sách quân sự của Augustus chứng tỏ sự đúng đắn và hiểu quả cao, và nói chung đều được những người kế nhiệm tiếp tục theo đuổi. Những vị Hoàng đế này rất thận trọng khi thành lập các quân đoàn mới mặc dù hoàn cảnh yêu cầu hoặc đủ khả năng, cho đến khi tổng số quân thường trực đạt đến khoảng 30 quân đoàn. Với mỗi quân đoàn có khoảng 4.000-6.000 quân cùng với số lính trợ chiến tương đương, tổng quân số của một quân đoàn lên đến 8.000 - 12.000 (thời kỳ Thái bình La Mã - Pax Romana), các quân đoàn thiện chiến nhất đồn trú tại những vùng biên giới thù địch. Một số quân đoàn được tăng cường với quân số tới khoảng 15.000 - 16.000, tương đương với một sư đoàn ngày nay. Trong hai thế kỷ sau đó, đế chế La Mã có trong tay từ 25 đến 30 quân đoàn, thường trực trú đóng tại các tỉnh, được yểm trợ bởi khoảng 350.000 đến 375.000 kỵ binh và khinh binh, tổng cộng khoảng nửa triệu quân ăn lương. Từ Scotland đến Syria, mọi quân nhân La Mã đều mặc quân phục như nhau và cùng bảo vệ một thứ thành lũy được xây dựng theo cùng một cách thức.[11]

Suốt thời kỳ Đế quốc La Mã, các quân đoàn giữ một vai trò chính trị rất quan trọng. Họ có thể giúp một người chiếm ngôi, giữ vững ngôi vị hoặc lật đổ ông ta. Ví dụ, việc đánh bại Vitellius trong Năm của Bốn Hoàng đế (năm 69 CN) được quyết định khi các quân đoàn đóng tại vùng Danube ủng hộ Vespasianus.

Trong thời kỳ Đế quốc, các quân đoàn được tiêu chẩn hóa với những biểu tượng và lịch sử riêng mà tất cả những người đàn ông La Mã lấy làm tự hào khi phục vụ cho nó. Mỗi quân đoàn sẽ do một quân đoàn trưởng (tiếng Latin gọi là legatus) chỉ huy. Vị trí này thường là một Nguyên lão với nhiệm kỳ ba năm và ở độ tuổi khoảng 30. Dưới quyền người này là sáu Quan Giám quân (Tribuni militum), 5 trong số đó là sĩ quan tham mưu, người còn lại là đại diện của Viện Nguyên lão (khởi thủy thì người này là chỉ huy quân đoàn). Ngoài ra còn có những nhóm sĩ quan đảm nhiệm công tác y tế, công binh, thư ký, một đồn trưởng (prafectus castrorum) và cả những thầy phù thuỷ, nhạc công.

Đế quốc La Mã (từ năm 284)

Hình ảnh tái hiện một người lính lê dương (trong giai đoạn khoảng năm 10-240) được trang bị đầy đủ: lao (pilum); khiên chữ nhật (scutum);mũ sắt, áo giáp (lorica segmentata) và kiếm ngắn (gladius).

Vào thời kỳ cuối của Đế quốc La Mã (trước 284 là thời kỳ đầu), số quân đoàn tăng lên và quân đội La Mã được mở rộng. Không có bằng chứng rõ ràng về sự thay đổi trong cơ cấu của các quân đoàn trước thời kỳ Bộ tứ (Tetrarchy)[12], chỉ biết rằng quân số của chúng thường ít hơn con số trên giấy tờ. Cơ cấu cuối cùng của các quân đoàn bắt nguồn từ các sứ quân (legiones palatinae) thiện chiến do Hoàng đế Diocletianus và các đồng Hoàng đế của ông lập ra. Đó là những đơn vị bộ binh có khoảng 1.000 người chứ không phải 5.000 người bao gồm cả kỵ binh như trước đây. Các sứ quân xuất hiện sớm nhất là Lanciarii, Joviani, Herculiani và Divitense. Do lãnh thổ của đế chế quá rộng lớn nên chủ nghĩa địa phương đã xuất hiện. Quân đội chuyên nghiệp La Ma là một tổng thể đa văn hoá nhưng rất nhiều quân đoàn cấp tỉnh chỉ đồn trú tại đó mà chưa từng trông thấy bất kỳ vùng đất nào khác của đế quốc La Mã. Binh lính đều được tuyển mộ tại địa phương. Điều đó là nguyên nhân dẫn đến các cuộc nổi dậy sau này thường xuất phát từ biên giới của đế chế. Cùng với sự ổn định của đường biên giới rộng lớn, các quân đoàn đồn trú đã chuyển từ đội quân chinh phạt thành một lực lượng cảnh sát đông đảo và rất tốn kém[13] để bảo vệ đế chế. Nói về binh lính La Mã đồn trú tại Antioch, nhà hùng biện Fronto cho rằng họ "dành thời gian để vỗ tay khen ngợi các diễn viên, và thường la cà ở những quán rượu hơn là trong đội ngũ. Ngựa thì bờm xơm vì thiếu chăm sóc trong khi tóc tai người lính thì cắt tỉa kỹ lưỡng."

Thế kỷ thứ 4 (CN) chứng kiến một số lượng lớn các quân đoàn với quy mô nhỏ được thành lập, một quá trình bắt đầu dưới triều đại của hoàng đế Constantinus II. Bên cạnh các sứ quân đồn trú còn có những quân đoàn dự bị cơ động gọi là comitatensespseudocomitatenses, cùng với auxilia palatina cấu thành bộ binh La Mã. Notitia Dignitatum, tài liệu ghi chép của Pháp viện La Mã liệt kê 25 sứ quân, 70 legiones comitatenses, 47 legiones pseudocomitatenses và 111 auxilia palatina thuộc các lộ quân cùng với 47 quân đoàn phòng thủ tại biên giới [14]. Sự hình thành của lực lượng dự bị cơ động đã giúp cho việc phòng thủ đế chế La Mã có chiều sâu, những điểm nóng ngoài biên giới có thể được từ bỏ để rồi tái chiếm.

Các quân đoàn được đặt theo tên các Hoàng đế như Honoriani (theo tên của hoàng đế Honorius) hay Gratianenses (theo tên của Hoàng đế Gratianus) tìm thấy trong tài liệu này cho thấy việc lập ra các quân đoàn này diễn ra trong suốt thế kỷ thứ 4 (CN) chữ không phải chỉ một vài sự kiện đơn lẻ. Tên gọi này cũng cho thấy các quân đoàn đó được tổ chức từ các chi đội độc lập (vexillatio) hoặc từ các quân đoàn cũ. Theo tác phẩm "Các vấn đề về quân sự" (De Re Militari) của nhà văn La Mã cổ đại Vegetius, mỗi đại đội có 1 máy bắn tên và mỗi đội quân có 1 máy bắn đá, tổng cộng một quân đoàn có hoả lực hãm thành với khoảng 59 máy bắn tên, 10 máy bắn đá, mỗi máy gồm 10 pháo thủ (libritor) đặt trên xe hoặc xe la. Ngoài tác dụng công phá trong hãm thành, các thiết bị trên còn có thể giúp người La Mã khi phòng thủ tại các tiền đồn (castra).

Bất chấp sự chính trị hoá quân đội và hành chính hoá việc đồn trú cũng như các vấn đề về lương bổng, hưu trí, các quân đoàn La Mã vẫn chiến đấu tuyệt vời trong suốt gần 4 thế kỷ sau đó. Vegitus, tác giả cuốn "Cẩm nang quân sự La Mã" vẫn còn nhận thấy rằng, chính sự huấn luyện và tổ chức là nguồn gốc của sự thành công của quân đội La Mã.[15]. Các quân đoàn La Mã đã luôn tìm cách duy trì được kỷ luật nghiêm ngặt và kỹ năng xuất sắc, đặc trưng của ưu thế quân sự Hy-La.[15]

Liên quan

Binh chủng Pháo binh, Quân đội nhân dân Việt Nam Binh chủng Đặc công, Quân đội nhân dân Việt Nam Binh đoàn La Mã Binh chủng Tăng – Thiết giáp, Quân đội nhân dân Việt Nam Binh đoàn Lê dương Pháp Binh pháp Tôn Tử Binh chủng Công binh, Quân đội nhân dân Việt Nam Binh chủng Nhảy dù Việt Nam Cộng hòa Binh chủng Hóa học, Quân đội nhân dân Việt Nam Binh chủng Hải quân Đánh bộ, Quân đội nhân dân Việt Nam